Các cấp Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành góp sức để hội viên có lương hưu
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành luôn xác định, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Ngoài tự lực của từng hội viên và gia đình, các cấp Hội nông dân ở huyện Nghĩa Hành đã huy động nguồn xã hội hóa để tiếp sức cho hội viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn tham gia BHXH tự nguyện, có lương hưu về già.
Chị Khoa kiểm tra sổ BHXH tự nguyện của 2 vợ chồng
Vợ chồng chị Bùi Thị Khoa (43 tuổi) anh Lê Đình Hưng (44 tuổi), ở thôn Hoà Vinh, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành là hộ nghèo. Chị Khoa bị bệnh hở van tim phải đi khám theo dõi ở Bệnh viện Trung ương Huế hằng tháng, anh Khoa không có việc làm ổn định trong khi phải nuôi 3 con đang tuổi ăn tuổi học. Dù vậy sau khi được bà Võ Thị Vui – Chủ tịch Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động và được Hội đồng hành hỗ trợ, vợ chồng chị Khoa đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng, hy vọng sau này sẽ được hưởng hỗ trợ của nhà nước và không là gánh nặng cho các con sau này.
Chị Khoa chia sẻ: Lúc đầu tôi tưởng chừng không tham gia được, nhưng khi được Hội Nông dân xã động viên và hỗ trợ 300 nghìn đồng đóng tháng đầu tiên nên có động lực để tham gia, hiện tôi tham gia đóng theo quí với mức trên 700 nghìn đồng/quý.
Cách đó không xa chị Cao Thi Viên (23 tuổi), lập gia đình trong khi cả hai đều không có việc làm ổn định, gia đình hai bên lại khó khăn, con nhỏ thường xuyên đau ốm. Thế nhưng chị Viên cũng vừa đóng BHXH tự nguyện cho bản thân sau khi được Hội Nông dân xã tiếp sức đóng tháng đầu tiên. Chị Viên vui mừng chia sẻ: “Tôi không nghĩ tôi có thể tham gia BHXH tự nguyện để sau này nhận lương hưu, nếu không có sự giải thích, hỗ trợ tận tình của cán bộ Hội Nông dân xã Hành Phước. Khi tham gia BHXH tự nguyện rồi tôi có thêm động lực để làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới vợ chồng bảo ban nhau cố gắng làm ăn xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và sẽ tiếp tục đóng BHXH tự nguyện cho chồng”, chị Viên vui vẻ cho hay.
Năm 2024, Hội nông dân xã Hành Phước đã hỗ trợ kinh phí đóng tháng đầu tiên cho 12 hội viên, với mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/hội viên. Tổng kinh phí 3,6 triệu đồng từ nguồn hội huy động xã hội hóa ở Giải bóng chuyền truyền thống cúp “Bông lúa Vàng” Tết nguyên đán Giáp Thìn.
Điều đáng ghi nhận là Hội Nông dân xã Hành Phước không tập trung vận động, tuyên truyền hội viên có điều kiện kinh tế, có khả năng tham gia BHXH tự nguyện ở địa phương mà hội chỉ tập trung tuyên truyền, hỗ trợ cho hội viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Hành Phước tuyên truyền, vận động hội viên tham gia BHXH tự nguyện
Ông Lê Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành cho biết: Năm 2024, các cấp Hội đã đổi mới cách tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức theo phương châm: Tuyên truyền, vận động hộ nào chắc hộ đó. Đối với 15 hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các địa phương, thu hút gần 1.000 người tham dự; tại đây Hội đã phối hợp với BHXH huyện phổ biến về ý nghĩa, quyền và lợi ích, mức đóng, phương thức đóng, hỗ trợ mức đóng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cơ chế, chính sách cũng như giải đáp các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn liên quan đến chính sách bảo hiểm. Tại đây đại diện Hội Nông dân huyện đã giải đáp trực tiếp ý kiến liên quan đến các vấn đề mà cán bộ, hội viên trên địa bàn huyện quan tâm như: Quy định về thủ tục, cách tính lương hưu khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; quyền lợi, mức hưởng khi không may bị mất; quy định về bảo lưu thời gian đóng; mức lương hưu được hưởng khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức thấp nhất. Sau khi nghe tuyên truyền, phổ biến, tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện, nhận thấy đây là chính sách rất nhân văn, có lợi cho bản thân, nhiều hội viên còn phân vân đã đăng ký tham gia bảo hiểm tại hội nghị.
Hội nghị tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện tại các địa phương
Đặc biệt, Hội Nông dân huyện chú trọng, ưu tiên đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn vì họ là những đối tượng khó đưa ra quyết định tham gia BHXH tự nguyện nhất bởi, điều kiện kinh tế khó khan; thấu hiểu được khó khăn đó Ban Chấp hành hội đã vận động kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ những tháng đóng phí đầu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn, ông Nghĩa cho biết thêm.
Nhờ đó, trong năm 2024, các cấp Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành đã vận động và hỗ trợ phí đóng cho 1.630 hội viên tham gia BHXH tự nguyện, tăng 1.580 hội viên so với chỉ tiêu tỉnh giao, chung sức cùng ngành BHXH ở huyện mở rộng số lượng người tham gia.
Nông dân tự giác tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân; đồng thời, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đoàn thể với Hội Nông dân và ngành BHXH huyện. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành sẽ tiếp tục nhân rộng, lan tỏa các chính sách BHXH tự nguyện cho toàn thể hội viên thấy rõ BHXH tự nguyện là một chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và nhà nước, vì lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội”.