Họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vừa chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Trần Đình cảm – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện, Trưởng Ban chỉ đạo và đồng chí Đinh Xuân Sâm – Chủ tịch UBND huyện, Phó Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp tại điểm cầu huyện Nghĩa Hành; dự họp tại điểm cầu huyện còn có thành viên Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, đột nát trên địa bàn huyện.
Cuộc họp được kết nối tới điểm cầu 12 xã, thị trấn.
Tính đến ngày 6/1/2025, cả nước đã hỗ trợ hơn 76,3 nghìn căn nhà để xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, có hơn 42,1 nghìn căn nhà đã khánh thành và khởi công mới hơn 34,1 nghìn căn nhà.
Trong đó, hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là hơn 4.400 căn nhà; hỗ trợ nhà ở thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 44,2 nghìn căn nhà; hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát là hơn 27,6 nghìn căn nhà…
Tại Quảng Ngãi, từ đầu năm 2021, tỉnh xác định có hơn 10,8 nghìn căn nhà cần được sửa chữa, xây mới. Tính đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa 4.024 căn nhà, hiện còn 6.827 căn nhà cần thực hiện; trong đó, có 4.370 căn nhà cần xây mới và 2.457 căn nhà cần sửa chữa.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng, có tính nhân văn cao cả; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ nay đến cuối năm còn khoảng 240 nghìn căn nhà phải hoàn thành, trong khi thời gian triển khai rất gấp (còn lại khoảng 350 ngày). Vì vậy, phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công chương trình, bảo đảm kịp tiến độ và chất lượng.
Từng cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm; bám sát tình hình thực tế để có giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm bảo đảm chương trình thực hiện đúng tiến độ và chất lượng theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Cùng với việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt chương trình. Ngoài ra, các cơ quan, thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi trong triển khai, thực hiện. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung tay đóng góp từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng, sẽ tạo nên nguồn lực mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát, mang lại cuộc sống ổn định cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…