Truy cập nội dung luôn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN NGHĨA HÀNH

Đình Làng An Định
Đình làng An Định nằm ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, cách thị xã Quảng Ngãi 12 km về hướng tây nam và cách thị trấn Chợ Chùa Nghĩa Hành 2 km về hướng tây bắc.

Đình tọa lạc trên khu đồi bằng phẳng, mặt quay về hướng tây nam, chếch phía đông là dòng sông An Định, trước mặt là kênh chính Thạch Nham và đồng ruộng, sau lưng là xóm làng bao bọc.



Thời gian khởi dựng đình An Định được ghi trong bản lưu chiếu bằng chữ Hán của làng cho biết: đình được xây dựng rất sớm, cùng thời gian với việc lập làng vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, trải qua nhiều lần xây dựng lại và trùng tu vào các năm 1839, 1874, 1972 tạo nên diện mạo ngôi đình như ngày nay. Đình làng An Định thờ Thành hoàng – vị thần bảo hộ của làng và các vị tiền hiền, hậu hiền có công khẩn hoang mở đất lập làng.

Đình làng An Định là một tổng thể kiến trúc bao gồm các công trình: cổng, trụ đình, sân đình, đình ngoài, hậu cung, nghĩa từ, miếu thờ thổ thần và sơn thần. Tất cả các công trình này nằm trọn về phía tây trên đồi An Định, với tổng diện tích 5.372m2 Trước đây, khu vực này là một khu vườn rừng với nhiều cây cổ thụ lâu năm, đến nay là khu vườn trồng đào và rau màu. Hai bên bờ thành cổng ngoài, ở phía tây hiện vẫn còn một số cây cổ thụ khiến cho cổng đình trở nên thâm nghiêm, u tịch, lưu ảnh cổ xưa và có nhiều bóng mát.

Cổng ra vào đình làng An Định gồm có cổng ngoài (ngoại) và cổng trong (nội). Cổng ngoài nầm ở phía tây, được xây dựng lại trong lần trùng tu vào năm 1839. Kiến trúc này là một khối được xây theo kiểu vòm cuốn bằng đá ong và vôi vữa tam hợp, mái lợp ngói âm dương.



Cổng trong (cổng nội) được xây dựng cách cổng ngoài 20 m ở vị trí mặt bằng cao hơn cổng ngoài 2 m, tạo lối đi tam cấp cao dần từ ngoài vào sân đình. Mặt chính cũng được xây dựng bằng đá ong to bản nhưng về quy mô thì to cao, hoành tráng hơn cổng ngoại. Phần mái được xây theo kiểu chồng diêm – 2 tầng 8 mái, khoảng trống giữa 2 tầng mái là dải cổ diêm. Bốn mặt của cổ diêm được phân chia thành những ô để trang trí đắp nổi: sách, quạt, mai, cúc, ngư điểu, rùa đội binh thư…

Đi từ ngoài vào qua cổng chính đến sân đình là bình phong và hai trụ biểu. Bình phong được xây dựng bằng gạch và vôi vữa theo mô-típ hình cuốn thư cách điệu. Mặt trước đắp nổi, ốp sành hình cong hổ, diện sau tạo hình mã hóa long. Còn hai bên hông bình phong đắp nồi hai hộ vệ gác cổng đình. Hai trụ biểu có dáng hình trụ tròn, đường kính tới 0,50 m. Thân trụ biểu được ốp sành màu xanh trắng tạo thành một con rồng cuốn mà đỉnh trụ là đầu rồng, còn chân trụ là đuôi rồng.

Toà đại đình gồm hai nhà tiền tế (đình ngoài) và hậu cung, kết cấu theo kiểu chữ nhị (=) trên một nền cao hơn mặt sân 0,5m, có diện tích 135m2. Bốn mặt nền đều được bó bằng đá ong trát xi-măng và có hiên xung quanh.

Đình ngoài và hậu cung đều được tạo dựng trên cơ sở bộ khung bằng gỗ mít với hai vì kèo chồng, chia lòng đình thành 1 gian 2 chái, có 5 hàng chân cột đối với đình ngoài có 4 hàng chân cột đối với hậu cung, mái lợp ngói ta, tường bao quanh được xây bằng đá ong với vữa tam hợp.

Đình chính và hậu cung mặc dù nằm trên một mặt nền nhưng nối lại với nhau không phải bằng vì kèo – trần vỏ cua mà bằng hệ thống ba cửa cuốn bên trên làm máng xối được xây nối liền nhau. Cửa cuốn và máng xối này nằm giữa hàng cột cuối đình ngoài và hàng cột đầu của hậu cung và như một giới hạn ngăn cách phần ngoài và phần trong tạo vẻ thâm nghiêm cho hậu cung – nơi thờ Thành hoàng.

Nếu ở đình ngoài, sự liên kết cột cái với cột quân và cột hiên bằng vì kèo chồng kẻ chuyền được nối với nhau từng đôi một ở các đầu cột thì ở hậu cung liên kết mới giữa cột cái với cột quân theo kiểu hạ kèo. Kiểu liên kết này được thực hiện bởi các cột cái to cao với các thành phần kiến trúc trính xuyên cùng được thu ngắn tạo nên bộ khung gỗ vững chắc. Độ vững chắc này không cần đến sự liên kết vì kèo kẻ chuyền trong một vì nữa mà thay vào đó là sử dụng một chiếc kèo lòng nhì theo kiểu hạ kèo để liên kết giữa cột cái với cột quân. Nhờ giải pháp xử lý khôn khéo này, các hiệp thợ dựng đình ở địa phương không những tạo được sự thông thoáng cho không gian bên trong của hậu cung mà còn đưa tòa hậu cung vốn thâm nghiêm vươn cao lên trên núi-đồi-làng mạc, giữa màu xanh thẳm mênh mông.

Điêu khắc trang trí đình làng An Định đã để lại cho người thăm những ấn tượng không thể phai mờ. Có thể nói, trong số tất cả các đình làng còn lại ở Quảng Ngãi đã được biết đến thì không có một ngôi đình nào có điêu khắc trang trí tập trung nhiều về số lượng, phong phú về nội dung hơn đình An Định, các mảng điêu khắc trang trí tập trung nhiều nhất ở kẻ hiên, các bức cửa võng, kẻ lòng nhì, các xuyên, trính, cột trốn…

Bốn kẻ hiên trước trong khoảng diện tích nhỏ bé dọc theo thân kẻ khoảng 1m, các nghệ sĩ dân gian địa phương đã khéo léo chạm nổi phụng kẹp cuốn thư, đầu phụng ngước lên, cánh xòe ra như muốn bay lên nóc mái, thân phụng lại cách điệu thành hoa dây và bông cúc cuộn lại bồng bềnh, rồi phụng kẹp bút ngậm đàn, ngậm búp hoa sen, dơi ngậm quả.đào, cá chép ngậm hoa sen.

Các cửa võng vách tường khung cột phía trước thể hiện các đề tài chúc phúc: dơi ngậm thùy, ngậm hoa dây, hoa cúc. Trên các xuyên tiền và xuyên hậu chạm nổi đầu rồng ngang, phượng múa, mã hóa long, cá chép ngậm hoa sen, cơn rùa đội bát quái trên nền hồ văn chữ vạn. Đặc biệt là 2 trính nối liền 4 cột cái được chạm tỉ mỉ và tinh xảo, gợi ra toàn thân một con rồng cách điệu. Những chiếc kẻ lòng nhì và cột trốn được chạm trỗ hoa sen, hoa cúc, cành trúc, hoa mai, hoa dây, lá sen, quả lựu, quả đào. Những phiến gỗ ở đây như đã được “nảy nụ đâm chồi đơm hoa kết trái” trong cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, biểu hiện sự cầu mong mưa thuận gió hòa, hạnh phúc cho cư dân nông nghiệp.

Đình An Định thật sự là một hợp thể nghệ thuật trang trí điêu khắc sống động, phản ánh tình cảm và tài năng của các nghệ sĩ dân gian ở làng quê Quảng Ngãi lúc bấy giờ.

Với tất cả những giá trị về lịch sử, về kiến trúc, về mỹ thuật trang trí đã được trình bày trên, đình làng An Định phải được xem là những di sản văn hóa vô giá của cha ông hiện còn lại đến ngày nay ở Quảng Ngãi.


Theo http:// yeuquangngai.net

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NGHĨA HÀNH

Chịu trách nhiệm nội dung: Văn phòng HĐND và UBND huyện

Email Ban biên tập: bbt-nghiahanh@quangngai.gov.vn